Khoản nợ 300 tỷ USD của EverGrande có quá đáng sợ như chúng ta nghĩ?

Chia sẻ tin này:

Cứu hay không cứu EverGrande: Sếp công ty bất động sản Việt Nam lý giải vì sao khoản nợ 300 tỷ USD không quá đáng sợ như chúng ta nghĩ

Khoản nợ của EverGrande có quá lớn (Too Big) đến mức nào và nếu để đổ vỡ (To Fail) thì ảnh hưởng như thế nào tới nền kinh tế Trung Quốc cũng như toàn cầu. Đây là câu hỏi đang được nhiều nhà đầu tư trên thế giới đặt ra.

Trong thời gian vừa qua, sự kiện tập đoàn bất động sản Trung Quốc EverGrande đang phải đối mặt với khoản nợ hơn 300 tỷ USD, tương đương 83% tổng tài sản mà không có khả năng thanh toán gây chấn động thị trường tài chính toàn cầu. Nhiều chuyên gia nhận định nếu doanh nghiệp này vỡ nợ, một cuộc khủng hoảng tương tự năm 2008 có thể diễn ra khi khiến bong bóng bất động sản trị giá 19,3 nghìn tỷ USD ở Trung Quốc xì hơi.

Khoản nợ của EverGrande có quá lớn (Too Big) đến mức nào và nếu để đổ vỡ (To Fail) thì ảnh hưởng như thế nào tới nền kinh tế Trung Quốc cũng như toàn cầu? Sau đây là phân tích của anh NHT, Phó Tổng Giám đốc một công ty tư vấn và đầu tư BĐS tại Tp.HCM qua 8 câu hỏi lớn.

1. Khoản nợ của EverGrande lớn cỡ nào?

Tổng giá trị khoản nợ của Evergrande là 300 tỷ USD. Để xem nó lớn thế nào chúng ta cùng so với GDP (tổng sản phẩm quốc nội).

So với GDP của Việt Nam 2020 khoảng 343 tỷ USD, thì tổng giá trị khoản nợ đã gần tương đương gần bẳng tổng giá trị hàng hóa dịch vụ sản xuất tại Việt Nam trong cả năm 2020. Tuy nhiên nếu so sánh với GDP Trung Quốc năm 2020 là khoảng 15.380 tỷ USD thì giá trị khoản nợ này chỉ chiếm: 300/15.380 = 2%; chỉ chiếm 2% và không phải Quá Lớn (Too Big).

2. Khoản nợ 300 tỷ USD bản chất gồm những gì?

Khoản nợ 300 tỷ USD không hoàn toàn là nợ vay nhưng mà thực ra đây là tổng nợ phải trả trên báo cáo tài chính của EverGrande, gồm cả ngắn hạn và dài hạn, chi tiết bao gồm:

Cứu hay không cứu EverGrande: Sếp công ty bất động sản Việt Nam lý giải vì sao khoản nợ 300 tỷ USD không quá đáng sợ như chúng ta nghĩ - Ảnh 1.

i) Nợ vay các ngân hàng, tổ chức tín dụng.

Nợ vay ngắn hạn ngân hàng chỉ là 36 tỷ USD, vay nợ dài hạn chỉ 50 tỷ, tổng vay nợ chỉ là 86 tỷ USD

ii) Các nghĩa vụ theo hợp đồng 33 tỷ USD.

Không được thuyết minh rõ nhưng tôi phán đoán chính là khoản tiền khách hàng trả trước cho các hợp đồng mua bán nhà ở của các cá nhân mua nhà. Do đó, có thể tạm loại phần này ra khỏi nợ ngắn hạn & tổng nợ phải trả bằng tiền của Công ty vì bản chất sẽ được hoàn trả bằng sản phẩm, và không phải trả ngay trong ngắn hạn.

iii) Khoản nợ 144 tỷ USD.

Đây là khoản phải trả nhà cung cấp dịch vụ, hàng hóa, các nghĩa vụ khác phải trả bằng tiền, khoản này lớn, nhưng thường là không có tài sản đảm bảo, và nếu chậm trả thì không bị tính lãi, có thể đàm phán gia hạn kèm điều khoản tính lãi trả chậm, bổ sung tài sản đảm bảo.

iv) Khoản 25 tỷ USD – nợ nghĩa vụ thuế với nhà nước

Vậy bản chất khoản bom nợ 300 tỷ USD không quá khủng khiếp đến vậy, nó gồm nhiều thành phần và bản chất khác nhau, Nhà nước cũng là 1 chủ nợ với giá trị khoản nợ là 25 tỷ USD.

3. Nếu EverGrande phá sản thì sẽ có hậu quả gì?

Toàn bộ 300 tỷ USD là thành mây, gió, trôi vào hư không ư?

Ngân hàng sẽ mất trắng tiền cho vay?

Nhà cung cấp không đòi được tiền cũng mất trắng?

Người mua nhà, đã nộp tiền nhưng nhà không bàn giao được cũng mất trắng?

Câu trả lời là KHÔNG.

Quy trình phá sản là khi không thanh toán được nợ, không đàm phán được với chủ nợ thì sẽ nộp đơn yêu cầu thủ tục phá sản, rồi có hội nghị chủ nợ đàm phán. Sau khi không đàm phán giãn nợ được, các chủ nợ không đồng thuận thì mới đến đoạn thanh lý tài sản để lấy tiền trả cho các chủ nợ, còn lại bao nhiêu thì chủ sở hữu nhận lại.

Vậy tài sản EverGrande có gì, chúng ta cùng tìm hiểu tiếp.

4. Evergrande có như Ledman Brothers – phá sản có ảnh hưởng tiêu cực, gây khủng hoảng đến thị trường tài chính toàn cầu?

Không, thị trường tài chính thế giới không thể khủng hoảng, chao đảo, lý do:

Các khoản nợ chủ yếu là tại Trung Quốc, các khoản vay các ngân hàng nước ngoài không nhiều.

Bản chất EverGrande là có tài sản thật là các bất động sản và đây là sản phẩm vẫn đang rất được ưa thích tại Trung Quốc, nên khi thanh lý thì các công ty BĐS khác tại Trung Quốc sẽ mua đất, mua các dự án dở dang để hoàn thiện nốt, không phải tài sản ảo như vụ Lehman Brothers nên không có đổ vỡ dây chuyền.

Cụ thể, riêng giá trị các mảnh đất để phát triển dự án đã là 91 tỷ USD, đây là loại hàng hóa mà các công ty Bất động sản khác tại Trung Quốc đang thèm muốn.

Nếu có vỡ nợ thì sau khi thanh lý tài sản vẫn nhận lại được tiền, có thể không đủ nhưng không mất hết.

Và như vậy thế giới không ảnh hưởng tiêu cực quá nhiều, không có sợ đổ vỡ hàng loạt nên cũng chả ảnh hưởng gì nhiều đến Việt Nam cả.

Ảnh hưởng lớn nhất chỉ là tâm lý mà thôi.

5. Có ảnh hưởng đổ vỡ dây chuyền đến hệ thống ngân hàng của Trung Quốc?

Không, vì số nợ 87 tỷ là không lớn so với tổng dư nợ của Trung Quốc. Số công nợ nhà cung cấp 144 tỷ USD có thể có phá sản ở nhiều công ty nhỏ lẻ khác do các nhà cung cấp cũng đi vay ngân hàng và cũng có thể bị vỡ nợ.

Tuy nhiên, logic như đã nói EverGrande có tài sản thật, nên sau khi thanh lý vẫn nhận lại được tiền nên không quá đáng lo.

Nếu ngân hàng phải tăng dự phòng dẫn đến phải giảm cho vay thì Chính phủ có thể bơm tiền, điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc để đảm bảo tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế, nói chung là không thiếu biện pháp hỗ trợ hệ thống tài chính.

Và lại lưu ý: EverGrande có tài sản thực, có giá trị thực nên tiền thu về chỉ là chậm thôi, chứ không mất trắng.

6. Ảnh hưởng thế nào đến ổn định xã hội?

Có ảnh hưởng, đặc biệt là đến 33 tỷ USD của những người nộp tiền mua nhà.

Khi thanh lý tài sản và thực hiện thủ tục phá sản, những người này sẽ bị thiệt thòi nhất vì họ là đối tượng chủ nợ không có tài sản đảm bảo, bị ưu tiên trả cuối cùng sau khi đã trả hết cho nhà nước, các chủ nợ có tài sản đảm bảo khác.

Tuy nhiên, khi nghiên cứu báo cáo thường niên của EverGrande tôi thấy tỷ lệ nhà Evergrande bán chủ yếu bán nhà ở Quảng Đông là lớn nhất chiếm 12% tổng giá trị hợp đồng mua bán, còn Thượng Hải đứng số 21 với 2%, Bắc Kinh đứng số 27 với 0,91%.

Do đó, đối tượng khách hàng đang chưa được bàn giao nhà chủ yếu là ở các tỉnh thành khác chứ không tập trung ở Bắc Kinh & Thượng Hải, nên sức ép nên chính trị là vừa phải.

Tuy nhiên, lượng người mua nhà này chính là điểm mà Chính phủ Trung Quốc phải cân nhắc nhất để ổn định tình hình xã hội.

Nhưng vẫn lại lưu ý: Phá sản thì người mua nhà cũng không mất hết.

7. Vậy Chính phủ Trung Quốc có cứu EverGrande không?

i) Về lý

Không phải cứu.

Do Evergrande là công ty tư nhân, nhà nước không bảo lãnh cho khoản vay, hay nghĩa vụ gì nên không có nghĩa vụ trả nợ thay hay cứu trợ. Đây là quan hệ giữa doanh nghiệp, doanh nghiệp, doanh nghiệp với khách hàng, lời thì ăn, rủi ro thì phải chịu.

ii) Về tình

Việc không can thiệp cũng tốt cho Chính phủ Trung Quốc vì thể hiện tuân thủ nguyên tắc kinh tế thị trường, không thiên vị công ty lớn/bé, công ty trong nước, nước ngoài. Về dài hạn là 1 cảnh báo là công ty lớn thế này còn không cứu nên các công ty khác cố gắng mà tuân thủ cho đúng quy định, không có ngoại lệ.

Đặc biệt:

Trung Quốc đang truyền thông về thông điệp: “common prosperity” – Thịnh vượng chung. Nghĩa là mọi người đều có cuộc sống no đủ.

Chênh lệch giàu nghèo tại Trung Quốc đang quá lớn, nhóm 20% giàu nhất, có thu nhập cao gấp 10 lần nhóm 20% nghèo nhất. Giá nhà quá cao làm người thu nhập thấp không thể tiếp cận sở hữu, gây tiềm ẩn bất ổn trong xã hội.

Để cho EverGrande phá sản thì sẽ có 1 loạt các bất động sản được bán thanh lý với giá rẻ hơn, nhiều người sẽ tiếp cận được hơn.

Bắc Kinh đã thực hiện 1 loạt các biệt pháp mạnh mẽ: Đầu tiên là các công ty công nghệ như Alibaba, rồi đến mảng giáo dục và lần này có thể mảng bất động sản là đối tượng tiếp theo.

Vậy về lý, về tình đều không phải cứu.

Tổng tài sản của EverGrande là 360 tỷ USD, tổng nợ là 300 tỷ USD.

Nếu có bán thanh lý phá sản thì bán nhanh hy vọng vẫn đủ 300 tỷ USD để trả nợ (giả sử giảm giá 60 tỷ USD, coi như chủ sở hữu mất vốn, tương đương giảm giá khoảng 17%).

Khi đó, người mất trắng là các ông chủ sở hữu, các cổ đông của EverGrande thôi.

Nếu Chính phủ Trung Quốc lại dang tay ra muốn cứu? Thì cũng sẽ không phải theo phương án bơm tiền cho EverGrande vay thêm do sẽ vi phạm quy định 3 về tăng trưởng tín dụng của 3 lằn ranh đỏ đã đưa ra. Evergrande vi phạm cả 3, vào lằn đỏ rồi nên không được vay thêm.

Không cho vay thêm có thể cử ai đó đi mua tài sản. Có thể sẽ là 1 công ty nhà nước, hoặc 1 ông lớn nào đó được hỗ trợ, đứng ra mua lại các dự án đang dở dang với giá thấp rồi tiếp tục phát triển đến hoàn thiện và bàn giao cho người mua, giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực đến người dân mua nhà nếu để EverGrande hạ cánh cứng.

(Bài viết được đăng tải trên Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam – Vietnam Wealth Advisors)

Theo Doanh nghiệp & Tiếp thị

Chia sẻ tin này:

Có thể bạn quan tâm